Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Vượt lên đói nghèo để trở thành nhà quản trị giỏi

Vượt lên đói nghèo để trở thành nhà quản trị giỏi

Không có vở học tôi phải nhặt từng vỏ bao xi măng, cắt ra rồi đóng lại thành tập. Cặp sách tới trường của bốn chị em chúng tôi được mẹ may từ những chiếc quần đã rách của bố.
>Thi viết 'Tôi lập trình tương lai' trên VnExpress và iOne

Nửa đêm bắt ốc bố nuôi con
Nước lạnh điếng người nhuốm trăng non
Tóc chửa pha sương hồn đã bạc
Chân bước tay mò ruột héo hon.

Đã bao đêm như đêm nay, nước mắt tôi lại rơi trên trang giấy học trò mỗi khi nhớ lại những câu thơ bố viết về chính cuộc đời ông. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo xứ Nghệ. Bố tôi bị mù cả hai mắt, đã có những năm tháng dắt đứa con gái đầu lòng lang thang khất thực nơi đất khách quê người. Mẹ tôi đau ốm thường xuyên.

Tôi vẫn còn nhớ như in gian nhà mái gianh vách nứa dột nát, mỗi khi mưa đổ bốn chị em chúng tôi tranh nhau tìm chỗ đứng. Lòng tôi vẫn đau đáu nhớ về những tháng ngày cùng mẹ, anh và đứa em trai bé bỏng chiều nào cũng đứng chờ bố và chị gái dưới bóng cây khế trước ngõ nhà mặc dù biết lúc đó những người thân yêu của chúng tôi có thể đang lưu lạc ở một nơi nào đó, góc phố hay chân cầu.

Những bài thơ bố đọc đẫm đầy nước mắt nơi đất khách quê người, những giọt nước mắt mẹ tôi len lén lau đi khi chợt nghe thấy có tiếng trẻ con nào đó gọi “Mẹ ơi” và tiếng nấc trong cổ họng của chị mỗi khi nghe thấy tiếng trống trường ở một vùng quê xa xôi nào đó. Tất cả những hình ảnh đó đã đau đáu tuổi thơ tôi, đi cả vào trong giấc ngủ.
Mơ ước của tôi cũng bắt đầu từ những tháng ngày như thế. Tôi muốn nụ cười hạnh phúc và ấm áp luôn thường trực trên gương mặt bố mẹ tôi. Tôi muốn gia đình tôi thoát nghèo, muốn vươn tới một điều gì đó tốt đẹp hơn, muốn hạnh phúc được trọn vẹn. Và tôi bắt đầu lập trình tương lai của chính cuộc đời mình.


Tôi biết rằng với tôi, với một gia đình đầy ắp yêu thương nhưng đầy biến động với cái đói, cái nghèo thì chỉ có học là con đường duy nhất để tôi có thể chạm tay tới ước mơ. Tôi phải cố gắng từng giây, từng phút để có thể tự tạo ra cơ hội cho chính mình.

Những năm học cấp hai là thời gian đầy khó khăn đối với tôi. Hàng xóm đã quen dần với hình ảnh một đứa con gái da đen nhẻm, tóc vàng hoe, gầy guộc, khẳng khiu lúc thì vừa nấu cơm vừa đọc sách, lúc thì bế em, lúc lại theo anh đi nhặt củi hay ra đồng mót khoai, mót lạc.

Không có vở học tôi phải nhặt từng vỏ bao xi măng, cắt ra rồi đóng lại thành tập. Cặp sách tới trường của bốn chị em chúng tôi được mẹ may từ những chiếc quần đã rách của bố. Có lẽ bởi niềm tin và hy vọng quá nhiều nên tôi tiếp thu bài trên lớp rất nhanh. Về nhà tôi học kỹ từng môn, gạch ý vào vở, tự đặt câu hỏi và tự trả lời.

Kết quả những năm học cấp hai tôi luôn là học sinh giỏi. Với những bước đi đầu tiên của bản kế hoạch cho cuộc đời mình, dù chưa rõ ràng nhưng tim tôi đã đập rộn rã và nước mắt rưng rưng khi nhìn thấy gương mặt hạnh phúc của mẹ và nụ cười trong đôi mắt mù lòa của bố.

Lên cấp ba, tôi ý thức được rõ hơn về mơ ước nghề nghiệp của mình trong tương lai và những gì tôi phải làm để thực hiện nó. Tôi muốn trở thành một nhà quản trị kinh doanh, bởi tôi biết tôi sinh ra trong nền kinh tế thị trường là một nền kinh tế mưu cầu sự giàu có. Bởi tôi biết cho dù tôi chỉ là một đứa con gái, cho dù điểm bắt đầu có ra sao và khó khăn như thế nào thì tôi vẫn có thể tự tin đứng vững, vì tôi đã dám mơ ước, dám vịn tay vào một lý tưởng sống bền bỉ.

Ngày đầu tiên vào cấp ba, sáng xoay mình trước gương trong bộ đồng phục mới, tối đến tôi đã cặm cụi viết cho mình một bản kế hoạch chi tiết và nó đã trở thành cầu nối để dẫn tôi tới giảng đường đại học. Bản kế hoạch của tôi không chỉ đơn thuần là phương pháp học mà đó còn là một bản kế hoạch tinh thần, giúp tôi duy trì được ý chí, lòng kiên nhẫn và nỗ lực không ngừng.

Mỗi ngày tôi viết ra một mục tiêu và thực hiện nó bằng được. Đêm đêm, tôi lặng lẽ ngồi bên bàn học, miệt mài với từng bài toán, từng trang văn mà không nhận ra bố đã đến bên tôi từ lúc nào. Gặp bài toán hay một câu tiếng anh nào khó tôi đều tìm mọi cách giải quyết chứ không bỏ cuộc giữa chừng.

Không có tiền mua sách tham khảo nên chiều tối nào tôi cũng ra đầu ngõ đứng chờ mẹ đi thu mua đồng nát về, lòng phấp phỏm hy vọng không biết trong đống giấy vụn đó liệu có quyển sách nào dành cho tôi không. Có những hôm may mắn tôi được mấy quyển liền.

Không dừng lại ở đó, tôi chịu khó đi bộ tới nhà thầy giáo, hí hoáy chép thêm bài tập về để làm bởi tôi ý thức được rằng phải làm nhiều, thực hành nhiều thì mới có thể đạt được kết quả mong muốn. Ngoài thời gian phụ bố mẹ, tôi chia thời gian còn lại một cách khoa học cho các môn học, đặc biệt tập trung vào ba môn thi đại học: Toán, Văn, Anh.

Tôi không đủ tiền để đi học ôn, nhưng với tôi, nỗ lực bản thân là điều quan trọng hơn cả. Tôi viết từ mới tiếng anh, công thức toán học dán khắp mọi nơi. Riêng môn văn tôi nhận bố là thầy của mình. Ông giải thích cho tôi những điều tôi không hiểu và giúp tôi cảm thụ văn học sâu sắc hơn.

Giờ đây tôi đã trở thành cô sinh viên năm tư trên giảng đường đại học. Tôi theo học ngành quản trị kinh doanh để thực hiện mơ ước của mình. Tôi đã không vứt bỏ bản kế hoạch viết cho những năm học cấp ba mà gắn thêm giấy vào, tiếp tục viết. Bản kế hoạch của tôi giờ đây đã rất rõ ràng bởi đây là thời điểm quyết định.

Tôi tự đặt ra cho mình bốn cái “không” mở đầu cho bản kế hoạch mới này, đó là: không hưởng thụ, không gục ngã, không chơi bời, không hoang phí. Và năm cái “Biết” cho phần kết thúc bản kế hoạch: biết tư duy, biết thành thạo ngoại ngữ và tin học, biết kiếm tiền, biết tiết kiệm, biết cách sống.

Tôi đã trải qua hơn ba năm trên giảng đường đại học với biết bao mồ hôi và nước mắt của bố mẹ, của gia đình và của tôi. Đã có những lúc tôi mệt mỏi lả mình trên trang sách nhưng hình ảnh bố đưa ống tay áo quệt vào hai hốc mắt tối tăm, hình ảnh mẹ oằn lưng trên chiếc xe đạp cũ rao mua đồng nát, gương mặt chị đau đớn mỗi khi bị bệnh tật dày vò lại thức dậy trong tôi. Tôi lại bừng tỉnh trên trang sách, những câu thơ bố viết lại ùa về.

Đến cạnh bé bao giờ người bố
Đôi mắt mù lệ ngỏ xót xa
Gió lạnh đêm đông ùa vách lá
Cái gió run người chao đảo mái gianh

Mẹ ngoài đồng manh áo phong phanh
Mò nhặt ốc móc bùn tìm cá chạch
Cô bé lả mình trên trang sách
Gió ngoài sông đơn độc vỗ chân cầu
Đêm trong vườn đổ lá suốt đêm thâu.

Những tháng ngày qua, thư viện là nơi tôi hay đến để rèn luyện kiến thức học đường, danh lam thắng cảnh là nơi tôi hay qua để rèn luyện ngoại ngữ và những nơi làm thêm là nơi tôi tích lũy vốn sống. Các kiến thức học đường được tôi vẽ lại bằng sơ đồ tư duy để ghi nhớ lâu hơn.

Tôi không phải là con mọt sách nhưng sách là người bạn thân thiết nhất của tôi. Bởi không có điều kiện để mua máy vi tính nên mỗi tuần tôi đều bớt lại một ít tiền ăn để thi thoảng ra quán net đọc báo, tìm kiếm thông tin. Mỗi lần kiến tập, làm đề tài phải đánh máy hàng trăm trang tôi phải đạp xe đạp đến nhà mấy đứa bạn mượn máy tính để làm.

Để trở thành một nhà quản trị giỏi tôi phải học tất cả mọi thứ, học cách ứng xử, giao tiếp, học các kỹ năng mềm, học cách thích nghi, học cách kiên nhẫn và duy trì ý chí. Tất cả những điều đó tôi học ở đâu? Từ chính những mối quan hệ tôi có, từ những cơ hội được tạo ra, từ cuộc sống xung quanh và từ sách vở.

Mặc dù phải rửa bát thuê trong quán ăn, bưng bê trong quán café hay phụ hồ cho các khu xây dựng, nhưng ba năm qua tôi vẫn là cô sinh viên giỏi của trường. Bạn biết vì sao không? Vì tôi đã lập trình tương lai của tôi qua từng giai đoạn, ghép nối chúng lại thành một bản kế hoạch của cả cuộc đời. Chỉ còn một năm nữa thôi là tôi đã có thể với tay và ôm lấy ước mơ vào lòng. Bố mẹ ơi, hãy tin con.
Nguyễn Thị Ngọc Diệp
Thể lệ cuộc thi viết "Tôi lập trình tương lai"
- Đối tượng tham gia: Là công dân đang sinh sống, học tập và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam có độ tuổi 16-30.
- Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không giới hạn số lượng bài dự thi của một người.
- Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.
- Bài dự thi phải là tác phẩm chưa được đăng trên các ấn phẩm báo, tạp chí. Ban tổ chức được quyền biên tập các bài dự thi.
- Người dự thi gửi kèm bài dự thi, thông tin cá nhân của mình bao gồm: tên; ngày sinh; số CMT; địa chỉ và điện thoại liên hệ.
- Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của mình theo bài viết.
- Cuộc thi do VnExpress.net, iOne.net và chương trình Cử nhân Top-up (ĐH FPT) phối hợp tổ chức.
- Từ ngày 25/11/2011 đến 25/02/2012, bạn có thể gửi bài viết về:xahoi@vnexpress.net và nhipsong@ione.net.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét