Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Tôi chưa thể hứa bao giờ hết tắc đường'

Tôi chưa thể hứa bao giờ hết tắc đường'

Sẵn sàng cam kết với Quốc hội từ năm 2012 sẽ giảm 5-10% số vụ tai nạn, nhưng Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng lại từ chối trả lời "bao giờ hết tắc đường?". Ông Thăng cũng phản bác ý kiến cho rằng đề án đổi giờ làm là giải pháp chắp vá.

8h40 sáng nay, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng bắt đầu phần trả lời chất vấn tại Quốc hội.
"Là người trả lời đầu tiên nên tôi có lúng túng, mong các đại biểu, cử tri thông cảm. Coi như một cuộc thi, những bộ trưởng khác là người thi sau sẽ làm tốt hơn". Cả hội trường cười ồ trước sự thẳng thắn của vị tư lệnh ngành giao thông. Đến sáng nay, ông Thăng mới đảm nhận cương vị được 3 tháng 15 ngày.
Đại biểu liên tục chất vấn Bộ trưởng Thăng. Ảnh: Hoàng Hà.
Đánh giá cao phong cách làm việc dám nghĩ dám làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng, tuy nhiên trước tình hình tai nạn giao thông nghiêm trọng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền yêu cầu người đứng đầu ngành giao thông cho biết giải pháp đột phá.
Theo ông Thăng, mấu chốt trong xử lý, giảm thiểu tai nạn giao thông là phải đầu tư, nâng cao hệ thống hạ tầng cho đồng bộ và hoàn chỉnh đường bộ, đường sắt, đường không và đường biển - đường thủy nội địa; tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực nhà nước. Hiện công tác quản lý nhà nước chưa tốt, xử lý thiếu kiên quyết dẫn đến người dân không chấp hành nghiêm pháp luật như đi lên vỉa hè, lấn làn. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có tiêu cực, để xảy ra mãi lộ...
Về ùn tắc tại 2 thành phố lớn, theo Bộ trưởng Giao thông, trách nhiệm chủ trì thuộc chính quyền địa phương. Dẫn ra đề xuất đổi giờ làm, ông Thăng phản bác ý kiến cho rằng đây là giải pháp chắp vá vì nó nằm trong tổng thể các giải pháp. Nếu chờ có đủ giải pháp mới thực hiện thì không bao giờ giải quyết được.
"Nếu chúng ta thực hiện nghiêm thì không thể có nhà cao tầng mọc lên ở nội thành, không thể có nhiều vỉa hè cho thuê giữ xe. Ùn tắc giao thông thì vai trò chính quyền địa phương, của ngành giao thông vận tải đi đầu, tiếp đến mới là ý thức người dân", ông Thăng nói.
Lấy 2012 là năm "Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn", Bộ trưởng Giao thông tiếp tục nêu các giải pháp chống ùn tắc ở Hà Nội, TP HCM như lòng đường vỉa hè phải dành cho giao thông; xây cầu vượt nhẹ, tăng chế tài xử phạt, nâng cao ý thức người dân; thực hiện thu phí phương tiện cá nhân...
dai bieu
Đại biểu Nguyễn Thị Khá chất vấn về sự xuống cấp của đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Ảnh:Hoàng Hà.
Tuy nhiên, phần trả lời dài 20 phút của Bộ trưởng Thăng chưa làm các đại biểu thỏa mãn. Bốn đại biểu đăng đàn tái chất vấn. "Tôi thông cảm với Bộ trưởng nhưng nếu trả lời lòng vòng thế thì ai cũng làm Bộ trưởng được. Xin Bộ trưởng nói rõ bao nhiêu năm thì giảm được tai nạn giao thông", đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nêu lại vấn đề.
Clip: Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn
Theo Bộ trưởng Thăng, tai nạn, ùn tắc là hệ quả của phát triển kinh tế xã hội, nhiều nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc cũng gặp phải. "Tai nạn giao thông sẽ phải giải quyết, còn bao giờ giảm hết, thì tôi chưa khẳng định được. Mỗi năm sẽ phấn đấu giảm 5-10% và cải thiện giao thông trong cả nước", ông Thăng chia sẻ.
Trước thực trạng "ùn tắc và tai nạn giao thông được coi là quốc nạn", đại biểu Danh Út chất vấn: "Dự án xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông quây tôn kín nhưng không thấy thi công, nhân dân đi lại khó khăn, hôm nào cũng tắc đường, kẹt xe. Xin hỏi vì sao công trình khởi công rồi nhưng lại không thi công?"
Với mong muốn "nâng điểm cho Bộ trưởng", đại biểu Nguyễn Sĩ Cương đặt câu hỏi: "Một trong những nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông là do phương tiện cũ nát không đủ điều kiện hoạt động. Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này?"
Còn đại biểu Đỗ Văn Đương "khích": "Bộ trưởng có dám cam kết năm 2012-2013 sẽ xóa bỏ các điểm đen gây tai nạn? Tôi cho rằng nếu làm được điều này sẽ giảm được 20% số vụ tai nạn chứ không phải giảm 5-10% như dự kiến".
Chia sẻ bức xúc với đại biểu Danh Út, ông Thăng cho hay, tình trạng vừa đầu tư xây dựng mới, vừa phải khai thác hạ tầng giao thông nên gây ra khó khăn trong việc tham gia giao thông của người dân. "Ngành giao thông sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành công an và TP Hà Nội làm sao giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới người dân", người đứng đầu ngành giao thông cam kết.
Thừa nhận thực trạng tiêu cực trong kiểm soát, đăng kiểm phương tiện giao thông, dẫn đến tình trạng xe không đủ tiêu chuẩn vẫn được lưu thông, gây tai nạn như đại biểu Cương nêu, Bộ trưởng Thăng khẳng định sẽ kiểm điểm, cách chức người quản lý, "không thể chấp nhận việc vì lợi ích của một hoặc một nhóm người mà làm ảnh hưởng đến nhiều người khác".
Không trả lời thẳng vào câu hỏi của đại biểu Đương về "xóa điểm đen giao thông", ông Thăng cho hay sẽ phối hợp với các địa phương giảm điểm đen về tai nạn bằng cách phân luồng, phân làn, làm dải phân cách cứng để các xe tránh đối đầu. Đồng thời kiểm soát chặt bằng công nghệ mới, hiện đại đối với xe trọng tải lớn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn sáng nay. Ảnh: Hoàng Hà.
Chủ đề nóng thứ hai trong phiên chất vấn sáng nay là chất lượng các công trình giao thông. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm còn đề nghị Bộ trưởng Thăng đưa ra giải pháp trước thực trạng: "Công trình đầu tư xây dựng cơ bản làm chậm, hỏng nhanh, trách nhiệm loanh quanh, khi hỏng Nhà nước phải bỏ tiền sửa, mất tiền 2 lần".
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thời gian tới với các công trình chậm, hỏng nhanh, thất thoát sẽ tập trung thúc đẩy chuẩn bị dự án có chất lượng và nhanh hơn, lựa chọn ban quản lý, tư vấn, nhà thầu tốt. Đặc biệt, cần công khai minh bạch để dân giám sát, thay thế kịp thời các nhà thầu, tư vấn thiết kết không đảm bảo yêu cầu.
Liên quan tới chất vấn về chất lượng đường cao tốc TP HCM - Trung Lương của đại biểu Nguyễn Thị Khá, Bộ trưởng Thăng cập nhật ngay: "Sáng chủ nhật vừa rồi tôi vào kiểm tra, thấy chất lượng công trình không đảm bảo, nguyên nhân là ban quản lý yếu kém, tư vấn giám sát chưa đạt... nên tôi quyết định đình chỉ giám đốc điều hành, yêu cầu nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm, phải bỏ kinh phí thi công lại từ tháng 12. Nếu đường chưa đạt chất lượng, các nhà thầu phải tiếp tục chịu trách nhiệm bảo hành".
Từng có nhiều ý kiến khá gai góc khi là đại biểu HĐND Hà Nội, hôm nay, bà Bùi Thị An đi thẳng vào vấn đề: "Chất lượng công trình giao thông thấp do công nghệ hay do thất thoát, nếu thất thoát thì bao nhiêu phần trăm, trách nhiệm thuộc về ai? Bộ Giao thông có quy định tuổi thọ công trình không và có hay không việc bán thầu vì đây là vấn đề cốt lõi quyết định chất lượng công trình?".
Theo Bộ trưởng Thăng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng công trình, không loại trừ thất thoát. Nhằm nâng cao chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình, Bộ sẽ kiên quyết thay thế các nhà thầu không đảm bảo chất lượng, nhưng hiện Việt Nam không có quy định nào về dự báo tuổi thọ công trình. Thêm vào đó, ông đề nghị phải sửa Luật đấu thầu vì quy đinh hiện hành khiến không chọn được nhà thầu có năng lực thi công và khả năng tài chính.
"Tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự cảm thông, chia sẻ của mọi người để cùng có hệ thống giao thông hiện đại, đáp ứng sự mong mỏi của người dân và phát triển của đất nước", Bộ trưởng Đinh La Thăng kết thúc phần trả lời chất vấn.
Liên quan đến chủ đề giao thông, 3 bộ trưởng liên quan gồm Xây dựng, Công an, Kế hoạch đầu tư cũng đã có phần giải trình trước Quốc hội. Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân đầu tiên, cốt lõi khiến giao thông ùn tắc là tỷ đất dành cho giao thông ở Hà Nội và TP HCM quá thấp, chỉ khoảng 8%, trong khi tiêu chuẩn 22-24%; đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1% trong khi tiêu chuẩn là 3-5%.
Bên cạnh đó là việc thiếu kiểm soát dân số cơ học ở đô thị lõi khiến mỗi km2 ở Hà Nội có tới 25.000 - 36.000 người, trong khi các thành phố nổi tiếng mật độ cao như Singapore, Hong Kong cũng chỉ 6.500 người... Tổ chức mạng lưới giao thông rất bất cập, các tuyến Bắc - Nam, Tây - Đông đều qua Hà Nội. Các đường xuyên tâm chậm đầu tư, thiếu giao thông ngầm, trên cao, các đô thị mới thiếu hạ tầng kỹ thuật, thiếu trường học, bệnh viện... dẫn đến giao thông con lắc, ách tắc.
Theo Bộ trưởng Dũng, vừa qua, Hà Nội và TP HCM đã mạnh dạn thực hiện các giải pháp ngắn hạn như phân luồng, phân làn, quản lý kiểm soát, giúp giảm ùn tắc. Tuy nhiên, ông Dũng vẫn cho rằng: "Dự báo, những năm tới tình hình ùn tắc cải thiện không nhiều do tăng phương tiện cá nhân, thiếu vốn đầu tư hạ tầng".
Chốt lại phiên chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông là "rõ ràng, đi thẳng vấn đề". 24 đại biểu đã chất vấn trực tiếp tại hội trường.
"Tai nạn giao thông đang điễn ra rất nghiêm trọng, có người gọi là thảm họa, người gọi là quốc nạn. Tôi tán thành lấy năm 2012 theo đề nghị của Bộ trưởng Giao thông làm năm thiết lập lại kỷ cương ngành giao thông nói chung, giảm 5-10% tai nạn giao thông mỗi năm", Chủ tịch Quốc hội chốt lại phiên chất vấn.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát sẽ giải trình việc thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt; giữ diện tích trồng lúa 3,8 triệu ha.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng (sinh năm 1960, quê Nam Định), học vị tiến sĩ, là ủy viên trung ương Đảng khóa 10, 11, đại biểu Quốc hội khóa 11, 13. Trước khi được bổ nhiệm là Bộ trưởng, ông Thăng từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà, Phó bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét