Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Hà Nội nên thí điểm trước khi đồng loạt thay đổi giờ làm


Hà Nội nên thí điểm trước khi đồng loạt thay đổi giờ làm

Cho rằng thay đổi giờ làm, giờ học theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân, không giải quyết được ùn tắc, nhiều cơ quan, trường học ở Hà Nội đề nghị nên thí điểm trước khi áp dụng đại trà. 

Ông Lê Văn Hoạt, Phó chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, cho rằng nếu thực hiện đề án ngay thì hơi vội vàng. Phương án điều chỉnh giờ làm việc của cán bộ viên chức và giờ học tập tại Hà Nội từng được bàn đến song khó thực hiện do ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều người. Mặc dù giải pháp này có tính tích cực song nếu làm ngay sẽ không đủ cơ sở mà cần có thời gian khảo sát thêm.
"Mỗi phương án đưa ra đều có mặt lợi mặt trái, cần khảo sát đánh giá và có biện pháp giải quyết mặt trái, các vấn đề phát sinh thì đề án sẽ hiệu quả hơn", ông Hoạt bày tỏ.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT, cũng bày tỏ băn khoăn khi nói tới tính hiệu quả của đề xuất này. Theo ông Thống, những gia đình có con đi học trái tuyến, trái quận mới phải thường xuyên đi lại trên các trục chính, còn đa số học sinh thuộc các quận nội thành theo học đúng tuyến thì không phải là nhân tố chính gây tắc đường.
Mặt khác, tình trạng ùn tắc không chỉ xuất hiện vào giờ đi học mà đôi khi còn diễn ra ở nhiều thời điểm trong ngày. Ngay cả khi học sinh được nghỉ mấy tháng hè thì tình trạng tắc đường vẫn thường xuyên xảy ra. Hiện giờ làm việc của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp hành chính của Trung ương tại Hà Nội và của địa phương đã lệch nhau. Giờ học của các bậc học cũng khác nhau.
Do đó, theo ông Thống, để có thể đưa ra quyết định chính xác, phù hợp, các chuyên gia nên khảo sát về số lượng học sinh hàng ngày phải tham gia giao thông trên các tuyến đường, bao nhiêu phần trăm học sinh học trái tuyến, bao nhiêu phần trăm học sinh học đúng tuyến, bao nhiêu em phải có cha mẹ đưa đón…
Cũng theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, kinh tế của Việt Nam còn khó khăn, thu nhập bình quân của công nhân, viên chức còn thấp, nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện trả tiền và có nhu cầu trông giữ ngoài giờ được. Hơn nữa, ngành giáo dục cũng không thể yêu cầu giáo viên làm việc ngoài giờ mà không có một khoản thù lao nào.
TP HCM đã điều chỉnh giờ học nhưng đường vẫn tắc. Ảnh: HC.
Là trường nằm trên quận Đống Đa, theo đề xuất của Bộ GD&ĐT sẽ phải vào học ca sáng từ 6h30 đến 11h30 và ca chiều từ 12h45 đến17h45, Hiệu phó ĐH Công Đoàn Vũ Quang Thọ cho biết, cả sinh viên và giáo viên của trường phàn nàn rất nhiều.
"Tôi cho rằng đề ra chính sách gì cũng phải toàn diện. Với riêng giáo viên thì họ vừa làm việc nước vừa làm việc nhà. Đề ra chính sách thay đổi giờ thế này khiến họ chỉ làm được một việc. Với những người phải đón con, họ tâm sự có thể giảm việc cơ quan chứ không bỏ được việc nhà vì đó là sứ mạng cao nhất của họ", ông Thọ nói.
Theo vị hiệu phó, nếu dự thảo được đưa vào thực tế thì sẽ có hai hạn chế: không đảm bảo sức khỏe và không phù hợp với thời gian biểu. Ông lấy ví dụ, trước đây Sea Games 22, thành phố phân luồng giao thông để giảm ách tắc, nhiều trường buộc phải vào học lúc 6h45. Tuy nhiên, sau khi Sea Games kết thúc vẫn không có lệnh giải tỏa khiến một số trường phải duy trì đến đầu năm 2011.
"Khi thấy sự bất hợp lý, tôi mới yêu cầu phòng đào tạo làm lại lịch trả về học lúc 7h. Học sớm hơn với mùa hè thì không vấn đề, nhưng mùa đông thì quá tối, trời lại mù, học sinh đi lại sẽ rất vất vả", hiệu phó Thọ nói và cho rằng, bắt đầu học lúc 6h45 đã có khó khăn, giờ nếu học 6h30 thì sẽ vất vả hơn nhiều, nhất là đối với những trường có hệ thống chiếu sáng kém, khó bảo đảm ánh sáng cần thiết.
Là người có chuyên môn về tổ chức lao động khoa học, ông Thọ phân tích, theo quy luật tâm sinh lý con người, 12h30 là giờ cao điểm nhất, lúc mà khả năng, năng lực làm việc kém nhất, độ lơ đãng cao, con người uể oải. Nếu bắt đầu làm việc chiều vào giờ này vừa kém năng suất, vừa kém an toàn.
Khi hoạch định chính sách, người phụ trách phải tính đến những điều này. Phải tính sự khác nhau giữa mùa đông, hè, thời gian nghỉ ngơi giữa buổi để tiếp tục công việc đã thỏa đáng chưa. Bên cạnh đó cần tính đến sự hợp lý để người lao động có thể hài hòa cả việc nhà, việc cơ quan.
Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Viết Thịnh (Cầu Giấy) thì cho rằng việc thay đổi giờ học không có gì lớn lắm. Hiện nay sự chênh lệch giờ học khu vực này với dự thảo mới không đáng kể. Tuy nhiên, ông bày tỏ băn khoăn, việc thay đổi giờ làm có thể không thay đổi được nhiều tình trạng giao thông hiện nay. Nếu quan sát vào ngày nghỉ vẫn thấy giao thông diễn ra như bình thường, vậy những người tham gia giao thông không phải chỉ dân công sở, sinh viên mà là rất nhiều lao động tự do.
Bên cạnh đó, tắc đường không phải diễn ra trên toàn thành phố mà chỉ có vài nút cổ chai, những nút này dù có đổi giờ thì cũng không giải quyết được nhiều. "Dù 9h bắt đầu làm nhưng không thể bắt họ đi lúc mấy giờ, nhiều người vẫn đi sớm vì đưa con đi học hay những việc khác, sẽ vẫn có giờ cao điểm như thường. Hơn nữa dù có giãn được giao thông buổi sáng thì cũng không giãn được buổi tối. Cứ 17-18h chiều mọi người vẫn hối hả về nhà. Có chăng chỉ dịch chuyển được cao điểm từ chỗ này sang chỗ kia", thầy Thịnh phân tích.
Theo hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, nếu như cơ quan nhà nước 9h làm việc, 9h mới tiếp dân thì biết bao nhiêu người phải chờ đợi. Thế nên, phương án thay đổi giờ giấc làm việc phải đảm bảo hài hòa giữa các cơ quan trên cả nước bao gồm các hộ kinh doanh, người dân lao động, học sinh, sinh viên, cơ quan hành chính...
Tuy nhiên, chiều lãnh đạo cơ quan lại bày tỏ sự ủng hộ đề án của Bộ Giao thông Vận tải. Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương Phạm Lê Hòa cho biết, đây là một ý tưởng hay. Hiện sự phân bổ giao thông chưa hợp lý, ccó những giờ rất đông người gây nên quá tải, lại có những lúc đường phố vắng vẻ, thông thoáng.
Theo Hiệu trưởng Hòa, việc điều chỉnh giờ làm việc là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải điều tra, tính toán để không biến người dân ở Hà Nội thành 'vật thí nghiệm'. Mọi chính sách trước khi đưa vào thực tế cần nghiên cứu cẩn thận, thận trọng, khoa học, trước khi thực hiện rộng rãi cần cho thí điểm để rút kinh nghiệm.
"Tôi rất thích câu nói của Đinh La Thăng rằng có những phương án mà một nhóm người phải hy sinh lợi ích của mình vì lợi ích chung. Đối với trường tôi, việc học sớm hơn, nghỉ trưa ít hơn... không phải vấn đề lớn. Tôi sẽ kêu gọi cán bộ, sinh viên thực hiện tốt quy định để góp phần giải quyết vấn nạn giao thông hiện nay", Hiệu trưởng Hòa khẳng định.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng bày tỏ, hàng ngày ông đi làm từ 6h30 thì đến cơ quan mất 20 phút, song nếu khởi hành 7h thì sẽ đi mất một giờ. Do vậy, biện pháp đơn giản nhất để giảm ùn tắc hiện nay là giãn cách thời gian của nhiều người, nhất là học sinh sinh viên.
"Phương án đổi giờ làm việc có thể thực hiện ngay, rồi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bởi nếu khảo sát thì rất khó tính toán là bao nhiêu phụ huynh phải đi đón con hàng ngày", ông Sáng nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét