Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Đề nghị lập ủy ban điều tra chống tham nhũng


Đề nghị lập ủy ban điều tra chống tham nhũng

Cho rằng số vụ tham nhũng phát hiện được chỉ là số ít và nhỏ, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị thành lập ủy ban điều tra chống tham nhũng, độc lập với cơ quan điều tra để "bắt những người có chức có quyền".

Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận báo cáo của các cơ quan tư pháp trung ương về công tác phòng chống tham nhũng, tội phạm... Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, năm 2011 chỉ thông qua công tác thanh tra đã phát hiện tới hơn 211.000 tổ chức, cá nhân có hành vi, vi phạm với số tiền 6.600 tỷ đồng và số phải thu hồi là 1.300 tỷ đồng, nhưng đến nay mới thu hồi được 143 tỷ. Do đó, Chính phủ cần xem lại khi cho rằng tội phạm tham nhũng giảm.
"Điều đáng nói là chỉ có 17 vụ và 43 bị can được chuyển tới cơ quan điều tra. Rõ ràng thiệt hại rất lớn nhưng số vụ đưa ra xem xét về mặt hình sự rất ít, mà không biết trong số 17 vụ thì có bao nhiêu vụ được đưa ra xét xử. Chúng tôi cho rằng việc này thực hiện vẫn chưa nghiêm", ông Thường nói thêm.
Đồng quan điểm, đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) nhìn nhận vẫn còn xảy ra nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. "Điều đó thể hiện công tác chống tham nhũng còn nhiều hạn chế. Một số vụ án xử lý chậm hoặc xử nhẹ gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong nhân dân", bà nói.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: Hoàng Hà.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: Hoàng Hà.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì cho hay, năm vừa qua xử được hơn 200 vụ và 500 bị cáo liên quan đến tham nhũng thì có hơn 340 người bị xử là tội ít nghiêm trọng (khung hình phạt dưới 3 năm tù), trong đó khoảng 200 người được hưởng án treo và cải tạo không giam giữ. Điều này cho thấy chỉ là phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng nhỏ.
Theo ông Hiến, có hiện tượng nhiều vụ tham nhũng kéo dài thời hạn bất thường ở tất cả giai đoạn tố tụng nhằm giảm bớt hành vi phạm tội của các bị cáo, tách ra để xem xét xử lý sau hay tội danh nhẹ hơn.
"Chúng tôi có cảm giác các cơ quan tố tụng nhường nhịn nhau, không thể hiện các quyền mà pháp luật đã quy định cho mình. Cơ quan điều tra đề nghị truy tố nhiều, Viện kiểm sát đình chỉ thì cơ quan điều tra không có ý kiến, Tòa án không trả hồ sơ yêu cầu truy tố tội danh nặng hơn hay đề nghị truy tố đồng phạm khác, cấp trên không tích cực giám đốc xét xử của tòa án cấp dưới", đại biểu này nhận xét.
Còn đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhìn nhận, việc mỗi tỉnh chỉ có 4-5 vụ tham nhũng đã không phản ánh đúng thực trạng tội phạm này. "Vì sao tham nhũng nhiều mà chúng ta phát hiện được ít như vậy? Do cơ chế, do chính sách hay do trình độ yếu kém không phát hiện được? Tôi đề nghị phải sửa Luật phòng, chống tham nhũng", ông Thuyền nêu băn khoăn.
Ông Thuyền đề nghị thành lập ủy ban điều tra chống tham nhũng, độc lập với cơ quan điều tra, bởi: "Chúng ta thấy con mèo ăn miếng mỡ thì bắt được rất nhiều nhưng toàn là vụ án nhỏ, còn con cọp bắt con heo thì chúng ta không bắt được bao nhiêu cả. Và nhiệm vụ của ủy ban ở cấp trung ương này là bắt những người có chức có quyền".
Dù nhận định mô hình Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng, Chủ tịch UBND các cấp làm trưởng ban có nhiều thuận lợi và phát huy hiệu quả, nhưng đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng: "Điều này đang khiến dư luận xã hội rất băn khoăn bởi nó có dẫn đến tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi hay không? Nếu như vậy thì hạn chế rất nhiều đến hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng".
Cũng theo ông Hùng, thực tế công tác phòng, chống tham nhũng những năm qua hiệu quả chưa cao, và chưa huy động được sức mạnh của nhân dân. Nguyên nhân là công tác tuyên truyền giáo dục về phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả chưa cao, và cơ chế bảo vệ người đấu tranh phòng, chống tiêu cực tham nhũng chưa đủ mạnh nên chưa tạo được niềm tin trong nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét