Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Cảnh sát châu Á thống nhất các biện pháp bảo vệ ngư dân


Cảnh sát châu Á thống nhất các biện pháp bảo vệ ngư dân

Các tướng lĩnh đứng đầu lực lượng cảnh sát biển châu Á họp tại Hà Nội sáng 27/10 thống nhất đối xử nhân đạo đối với ngư dân trong trường hợp vi phạm luật pháp. Nhiều sáng kiến hợp tác cũng được bàn thảo.

Sáng 27/10, người đứng đầu lực lượng cảnh sát biển 18 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á đã họp tại Hà Nội, bàn việc tăng cường hợp tác trong khu vực. Phát biểu tại hội thảo, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, bối cảnh an ninh khu vực đang có nhiều diễn biến mới với sự quan tâm đặc biệt dành cho an ninh biển.
Hội nghị những người đứng đầu cảnh sát biển châu Á lần thứ 7 sáng 27/10 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Lý do bởi không gian biển đang ngày càng gắn kết các quốc gia hơn trên nhiều phương diện và càng đòi hỏi các nước sự chia sẻ trách nhiệm cao hơn, nhất là khi đa số thách thức an ninh đang nổi lên có liên quan đến biển, như cướp biển, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên... "Những thách thức đan xen của an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống ngày càng phức tạp, tác động đến tất cả quốc gia. Đó là cơ sở để tăng cường hợp tác giữa các quốc gia nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trên biển", trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hoạt động hợp tác cảnh sát biển trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, vì lợi ích của mỗi quốc gia nhưng đồng thời phải tôn trọng, bảo vệ lợi ích của các quốc gia khác cũng như hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực. Để có lòng tin các nước cần tăng cường trao đổi thông tin, giao lưu, gặp gỡ... Là những người thực thi luật pháp trên biển, tướng Vịnh cho rằng, cảnh sát biển các nước phải đối xử nhân đạo và giúp đỡ những người lao động trên biển, những ngư dân, công nhân.
"Khi họ vi phạm pháp luật thì chúng ta xử lý theo luật pháp nhưng nhất thiết phải đối xử nhân đạo, nhất thiết phải có tinh thần tương trợ lẫn nhau, không để các hành động bạo lực, ngoài khuôn khổ pháp luật diễn ra với những ngư dân trên biển", trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Theo trung tướng Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, không chỉ ngư dân mà tất cả công dân Việt Nam hoạt động trên biển đều cần được bảo vệ. Qua bàn thảo, những người đứng đầu cảnh sát biển đã thống nhất, các vi phạm xảy ra trên vùng biển nước nào sẽ được xử lý theo pháp luật nước đó nhưng trên tinh thần thương lượng hòa bình và luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Luật biển năm 1982, hiến chương Liên hiệp quốc. "Không nên dùng vũ lực và đe dọa vũ lực đối với ngư dân hay công dân vi phạm", ông Lĩnh nói.
Theo trung tướng Phạm Đức Lĩnh, không nên dùng vũ lực hoặc đe dọa đối với ngư dân vi phạm pháp luật trên biển. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Quan điểm của phía Việt Nam đã được những người đứng đầu lực lượng cảnh sát biển châu Á chia sẻ. Theo đô đốc Datuk Mohd Amdan bin Kurish, Tổng Cục trưởng Cục cảnh sát biển Malaysia, bảo vệ ngư dân là vấn đề rất quan trọng trong quan hệ giữa các quốc gia láng giềng. Vị đô đốc này cho rằng, áp dụng luật quốc tế cho các vấn đề liên quan đến ngư dân, đến việc đánh bắt cá trái phép tại những vùng biển công bố chủ quyền là cần thiết.
"Các ngư dân phải hiểu về điều đó. Khi có sự xâm nhập, đánh bắt cá trái phép chúng tôi sẽ phải ngăn chặn, nhưng phải theo đúng trình tự và thủ tục quốc tế. Không được sử dụng bạo lực, không sử dụng các biện pháp đối xử phi nhân đạo", người đứng đầu cảnh sát biển Malaysia nhấn mạnh.
Hiện cảnh sát biển Malaysia đã thiết lập đường nóng với Singapore, Indonesia, Thái Lan và rất muốn thiết lập với Việt Nam. Theo vị đô đốc này, đây là một trong những kênh tốt để hợp tác, tạo ra một hệ thống cần thiết vì khi có vấn đề các nước có thể nhanh chóng nhấc điện thoại và trao đổi với nhau để giúp giải quyết vấn đề ngay từ cấp cơ sở chứ không phải chờ lên tận cấp cao. Sắp tới, phía Malaysia sẽ đề cập vấn đề này trực tiếp với Việt Nam.
Trong khi đó, với Philippnines, quốc gia đã nhất trí lập đường dây nóng lực lượng cảnh sát biển với Việt Nam, đô đốc Ramon C. Liwag, cho biết nhờ quan hệ hợp tác tốt, hai nước đã xử lý thành công một số trường hợp ngư dân vi phạm và trả về nước. Việc thiết lập đường dây nóng giữa Việt Nam và Philippines sẽ giúp kiểm soát tốt hơn tình hình ngư dân hoạt động trên biển, đảm bảo an toàn cho họ.
Cùng là quốc gia có đường bờ biển dài hàng nghìn km, ông Murthy TM, người đứng đầu lực lượng cảnh sát biển Ấn Độ cho rằng, hội nghị do Việt Nam tổ chức lần này là diễn đàn tuyệt vời cho cảnh sát biển châu Á, đặc biệt về lĩnh vực an ninh hàng hải. Theo ông, cứu nạn ngư dân là công việc rất quan trọng đối với lực lượng phòng vệ bờ biển, đây là lực lượng đầu tiên cứu nạn khi có người gặp nạn trên biển. Mặc dù cảnh sát biển Ấn Độ mới bắt đầu trao đổi với Việt Nam, song quốc gia này rất sẵn sàng hợp tác ở cấp độ cao hơn.
Theo người đứng đầu lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, hiện trang bị của lực lượng này chưa đáp ứng hết yêu cầu, mới có tàu vừa phải, hoạt động trong điều kiện thời tiết bình thường. Song, Chính phủ đã quyết định cho cảnh sát biển được triển khai đóng các tàu lớn hơn, có thể hoạt động dài ngày trên biển trong điều kiện thời tiết phức tạp; trang bị cả máy bay để nâng tầm hoạt động của cảnh sát biển ra hết khu vực và ranh giới ngoài thềm lục địa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
"Đặc biệt là ở những vùng biển xa, giáp ranh, có tranh chấp chủ quyền, trang bị hiện đại để hiện diện liên tục cảnh sát biển trên biển. Mục tiêu một mặt duy trì an ninh, trật tự, một mặt hỗ trợ hoạt động của bà con ngư dân trên biển để họ yên tâm", trung tướng Phạm Đức Lĩnh nói.
Vị trung tướng này cho biết, hiện cảnh sát biển Việt Nam và các nước đã diễn tập xử lý nhiều tình huống qua mạng Internet. Sắp tới các bên sẽ diễn tập thực binh trên biển một số tình huống như xử lý tìm kiếm cứu nạn, ứng phó sự cố môi trường biển, buôn lậu ma túy trên biển, chống cướp biển… Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mở rộng hợp tác quốc tế, gửi các học viên sang Mỹ, Nhật Bản, Singapore...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét