Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Bộ trưởng Đinh La Thăng: 'Những gì tôi làm chưa mới'


Bộ trưởng Đinh La Thăng: 'Những gì tôi làm chưa mới'

Đề án thay đổi giờ làm đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định, đề án không mới nhưng sẽ thành công nếu số đông người dân đồng thuận.

- Trong những năm qua, tình hình tai nạn giao thông không giảm, theo ông trách nhiệm đó thuộc về cơ quan nào?
- Tai nạn giao thông không giảm là do các giải pháp chưa đồng bộ, quyết liệt. Lỗi tại cơ quan quản lý - Bộ Giao thông Vận tải và người tham gia giao thông.
- Sau khi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất điều chỉnh giờ làm, nhiều người cho rằng sự điều chỉnh chưa hợp lý và họ còn nhờ Bộ trưởng giải hộ bài toán "đón con". Vậy ông giải bài toán đó thế nào?
- Công chức nhà nước so với hàng triệu công nhân lao động thì là một số nhỏ. Công nhân cũng phải làm ca, làm kíp, vậy ai đưa con nhỏ đi học? Họ cũng là những người mẹ, tại sao chỉ có công chức mới được ưu tiên giờ đi làm và giờ làm việc phù hợp để đưa con đi học? Công nhân phải 6h sáng đi làm đến 14h chiều hoặc là 14h chiều đến 22h đêm, và làm ca ba từ 22h đêm đến sáng hôm sau. Ai là người đưa con họ đi học?
- Sau giải pháp điều chỉnh giờ thì Bộ Giao thông sẽ còn những giải pháp gì để giảm ùn tắc?
- Tôi nói là các giải pháp phải đồng bộ và tổng thể, bao gồm từ các văn bản quy phạm pháp luật, đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức lại giao thông cho hợp lý, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Có rất nhiều giải pháp chứ không phải chỉ có một. Điều chỉnh giờ nằm trong tổng thể giải pháp do Chính phủ chỉ đạo chứ không phải Bộ Giao thông thích làm.
ong thang
Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Quốc hội cần có nghị quyết để giám sát tối cao và nghị quyết để toàn hệ thống chính trị vào cuộc xử lý vấn đề giao thông". Ảnh:Hoàng Hà.
- Vậy nếu thực hiện tất cả giải pháp như ông nói thì bao giờ Hà Nội và TP HCM hết tắc đường?
- Các giải pháp đó có cả lâu dài và trước mắt, nhưng kể cả giải pháp trước mắt thì cũng nằm trong tổng thể chứ không phải là chắp vá. Nhưng để giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM thì phải đầu tư xây dựng được các loại hình vận tải chở được khối lượng lớn, đó là tàu điện ngầm và đường sắt trên cao. Nhưng điều đó đòi hỏi thời gian, tiền bạc.
- Nếu cho ông một khoảng thời gian để giải bài toán ùn tắc và tai nạn giao thông thì ông sẽ xin bao lâu?
- Với điều kiện là mọi người phải đồng thuận, phải vào cuộc chứ cứ đưa một giải pháp ra là bị dừng lại thì sao làm được. Ví dụ, Trung Quốc cho đi ôtô theo ngày chẵn ngày lẻ, hàng năm muốn được quyền đăng ký xe phải quay xổ số. Còn Singapore thì phải đấu thầu, toàn bộ xe máy cấm triệt để. Mình đưa lên thì lại nói là động đến quyền công dân. Đồng bộ là khi phương tiện vận tải công cộng phải tốt lên nhưng không thể chờ đến khi đó mà chúng ta phải làm đồng thời. Có nghĩa là vẫn phải giảm phương tiện vận tải cá nhân, nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận là điều kiện vận tải công cộng chưa được như mong đợi. Mọi người phải có sự chia sẻ.
- Nhiều đại biểu Quốc hội khen ngợi ông, ông thấy gì từ lời khen đó?
- Tôi thấy trách nhiệm nặng nề hơn nhiều. Các giải pháp tôi làm không phải do tôi mà là thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ. Ví dụ, Nghị quyết 16 có từ năm 2008 về giảm thiểu ùn tắc giao thông. Những gì tôi làm vừa qua chưa có gì mới và chưa có sáng kiến gì hết.
- Đại biểu Lê Thị Nga nói nếu để giao thông tắc nghẽn, tai nạn giao thông tăng thì bộ trưởng phải chịu trách nhiệm, thậm chí Quốc hội phải lấy phiếu tín nhiệm. Ông nghĩ sao về ý kiến đó?
- Luật quy định rồi, tôi ủng hộ điều đó. Tất cả phải là giải pháp tổng thể và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Và như đại biểu Lê Thị Nga nói, Quốc hội cần có nghị quyết để giám sát tối cao và nghị quyết để toàn hệ thống chính trị vào cuộc xử lý vấn đề giao thông.
- Trong những năm qua, tình hình tai nạn giao thông không giảm, theo ông trách nhiệm đó thuộc về cơ quan nào?
- Tai nạn giao thông không giảm là do các giải pháp chưa đồng bộ, quyết liệt. Lỗi tại cơ quan quản lý - Bộ Giao thông Vận tải và người tham gia giao thông.
Trước ý kiến về chất lượng và sai phạm ở các trung tâm đào tạo lái xe và trung tâm đăng kiểm, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết Bộ đã chỉ đạo kiểm tra và giải tán 3 trung tâm đào tạo lái xe. "Kiểm tra, xử lý đương nhiên là việc của quản lý nhà nước của Bộ. Cũng phải xử lý nghiêm tình trạng nhận tiền lót tay ở các trung tâm đăng kiểm. Muốn người dân thực hiện tốt luật pháp thì những người thực thi công vụ (bao gồm cả cán bộ, thanh tra ngành giao thông vận tải, ngành công an) phải thực hiện gương mẫu", ông nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét